Đa số trường học hiện nay dùng loại bàn ghế có kích thước cố định
Trong thời gian qua, cả nước đã có những chủ trương tích cực để tăng cường cơ sở vật chất và đầu tư cho các trường học. Thế nhưng, có một nghịch lý là khi điều kiện càng được cải thiện thì tỷ lệ học sinh mắc các bệnh học đường càng gia tăng. Vì sao?
30,8% học sinh bị biến dạng cột sống
Tình trạng học sinh (HS) bị cong vẹo cột sống đang ở mức báo động đỏ. PGS.TS Nguyễn Đức Thu - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục - Đào tạo) cùng các cộng sự đã tiến hành điều tra mẫu tại 6 trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông ở huyện Sóc Sơn và quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Kết quả có tới 30,8% HS bị biến dạng cột sống, trong đó 13,5% bị cong vẹo theo dáng chữ C thuận, 7,6% bị cong vẹo chữ C ngược, 13% hình chữ S thuận, 1,1% chữ S ngược, 6% gù, 1,3% ưỡn. Đặc biệt, tỷ lệ HS bị gù tăng dần theo cấp học. Nếu như HS tiểu học ở nội thành có 2% bị gù, thì HS THCS tăng lên 4%, THPT là 6,2%. Tỷ lệ HS bị gù ở ngoại thành cao gấp 2 lần HS nội thành. Đáng lưu ý là tình trạng HS bị cong vẹo cột sống ở cấp tiểu học khá cao: 27,1%, HS ở cấp THCS chiếm 23,8%, THPT chiếm 23,6%. Số liệu điều tra cho thấy học sinh học càng nhiều thì tỷ lệ bị cong vẹo cột sống càng cao.
Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến bệnh cột sống chính là bàn ghế học sinh. Nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học đã khẳng định: bàn ghế có kích thước không đúng, thiếu tiện nghi sẽ làm cho HS chóng mệt mỏi, ảnh hưởng tới sự tập trung tư tưởng và ngồi lâu thì dẫn đến các bệnh cận thị, cong vẹo cột sống, gù lưng... Theo khảo sát của TS Lê Anh Dũng - tác giả của công trình nghiên cứu "Hệ thống bàn ghế tương hợp" đã được Nhà nước cấp bằng độc quyền về kiểu dáng công nghiệp và giải pháp hữu ích năm 2001 thì hiện nay ở hầu hết các trường học từ phổ thông đến đại học đềâu sử dụng loại bàn ghế có kích thước cố định. Những bộ bàn ghế này ở nước ta được thiết kế và chế tạo chưa dựa trên tiêu chuẩn nào mà chủ yếu chỉ làm theo kinh nghiệm hoặc theo một mẫu nào đó sưu tầm được, do vậy nhiều học sinh phải ngồi học ở những bộ bàn ghế quá bất hợp lý với cơ thể mình.
Kết quả khảo sát ở 2 trường tiểu học Tân Mai (quận Hai Bà Trưng) và Vân Nội (huyện Đông Anh, Hà Nội) cho thấy có rất nhiều học sinh phải ngồi bàn ghế không phù hợp với kích thước cơ thể. Ông Dũng cho biết, hiện Bộ Y tế đã có quy chuẩn về bàn ghế học tập. Tuy nhiên, trong cùng một lớp học, cùng một lứa tuổi nhưng HS có chiều cao khác nhau. Nếu trong cùng một lớp mà dùng loại bàn ghế có kích thước cố định như hiện nay thì một lớp cần tới 3 loại bàn ghế, cùng một cấp tiểu học cần 5 loại bàn ghế. Ví dụ tại Trường Tiểu học Tân Mai, lớp 1 và 2 cần sử dụng 4 loại bàn ghế khác nhau, lớp 3 và 4 cần sử dụng 4 loại bàn ghế khác nhau, lớp 5 cần sử dụng 5 loại bàn ghế khác nhau...
Như vậy, hiện nay ngay tại Hà Nội (và có lẽ là trên hầu hết các tỉnh thành cả nước), hệ thống bàn ghế của HS đều không đạt tiêu chuẩn vì mỗi lớp được trang bị 1 loại, mỗi cấp 1 loại và đều là bàn ghế không điều chỉnh được. Ông Dũng nói: "Không có bàn ghế đúng thì không thể dạy học sinh ngồi đúng, dẫn đến việc thích ngồi thế nào thì ngồi". Đó là chưa nói tới những địa phương chưa đủ điều kiện vật chất.
Tuy nhiên, trang bị cho một lớp học nhiều loại bàn ghế là thiếu thực tế, do đó giải pháp mà ông Dũng đưa ra là cần phải sử dụng loại bàn ghế có thể điều chỉnh được để phù hợp với từng học sinh. Thiết nghĩ, đây là một giải pháp mà những người có trách nhiệm cần sớm xem xét.
Nhìn đâu cũng thấy... sai !
Mỗi năm một lần, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Sở Y tế TP.HCM bắt tay vào thanh kiểm tra vệ sinh y tế học đường ở tất cả các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Kết quả mới nhất làm nhiều người giật mình: 27% các trường ở TP.HCM có tỷ lệ ánh sáng phòng học không đạt, 60% sử dụng bảng đen và chữ không đúng kích thước... Đặc biệt, gần 200 trường học sử dụng bàn ghế sai quy cách, 40% học sinh ngồi học sai tư thế... Một bác sĩ của Sở Y tế phụ trách công tác y tế học đường nói: "Cứ đến trường là thấy sai, cái sai hay gặp nhất là bàn ghế học sinh. Từ những trường có tiếng ở quận nội thành mới được đầu tư trang thiết bị, cho đến một số trường đại học còn sử dụng mẫu bàn đóng liền ghế thành cặp".
Theo nghiên cứu của Trung tâm Sức khỏe lao động và môi trường thành phố thì việc sử dụng bàn ghế sai quy cách là một trong những nguyên nhân gây thể trạng mệt mỏi, tinh thần uể oải cho học sinh trong giờ học, kéo theo một số bệnh như vẹo cột sống, cận, viễn thị... Vị bác sĩ này khuyến cáo: "Cho dù công tác vệ sinh y tế học đường thực hiện gần 10 năm, nhưng nó chưa thực sự được quan tâm. Dù có tốn kém khi thay bàn ghế, chúng ta vẫn phải làm, nếu không sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe các em".
Trong buổi làm việc với Ban Văn hóa xã hội Hội đồng Nhân dân TP, lãnh đạo phòng giáo dục một huyện ngoại thành từng than thở rằng 80% bàn ghế của đơn vị mình là sai quy cách, các khối lớp đều dùng chung một mẫu bàn ghế. Ngoài ra còn nhận hàng "viện trợ" của các trường trong nội thành nên bàn ghế có gì dùng nấy, không đồng nhất chứ nói gì đến chuẩn. Đặt vấn đề để tìm biện pháp tháo gỡ thì lãnh đạo các phòng giáo dục đều tán thành nhưng "đây là vấn đề mang tính quá trình, không thể thay đổi trong một ngày". Bà Hồng Hải - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Phú nói: "Từ thay đổi bàn ghế kéo theo thay đổi hàng loạt cơ sở vật chất, diện tích lớp học...".
Theo đánh giá của Trung tâm Sức khỏe lao động và môi trường - đơn vị trực tiếp kiểm tra các trường, đến nay mới có các quận 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận làm tốt công tác thay bàn ghế theo đúng quy cách. Thậm chí đã có trường tiểu học dân lập ở TP.HCM thuê hẳn công ty nước ngoài về đo chiều cao học sinh để thiết kế bàn ghế riêng cho từng lớp... Thế nhưng những nỗ lực này còn quá ít ỏi.
Hướng dẫn của ngành y tế về kích cỡ bàn ghế học sinh
- Bàn ghế phải rời nhau, ghế phải có thành tựa.
- Chiều cao bàn = 42% chiều cao cơ thể, chiều cao ghế = 26% chiều cao cơ thể, chiều ngang tối thiểu cho một chỗ ngồi là 0,4-0,5m.
- Kích thước cụ thể (đơn vị cm): Đối với lớp mẫu giáo (lớp lá) áp dụng loại I, II (ghế cao 27 - 30 cm, bàn cao 50 cm), lớp 1 áp dụng loại II (30, 50), lớp 2 - 3 áp dụng loại III (34, 55), lớp 4-5 áp dụng loại IV (38, 61), lớp 6-8 áp dụng loại V (44, 69), lớp 9 áp dụng loại VI (46,74), lớp 10-12 áp dụng loại VII (47, 77).
(Theo T N )
0 Nhận xét